Bước khởi đầu của Đảng Quốc Xã Đảng_Công_nhân_Đức_Quốc_gia_Xã_hội_chủ_nghĩa

Biểu tượng thường được dùng như đảng huy của Đảng NSDAP

Sau khi trở về từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, Adolf Hitler không có triển vọng gì về sự nghiệp chính trị cho một người Áo 31 tuổi không bạn bè, không tiền bạc, không công ăn việc làm, không nghề chuyên môn, và không hề có kinh nghiệm gì về hoạt động chính trị. Hitler nhận thức được điều này. Ông kể lại:

Trong nhiều ngày, tôi tự hỏi phải làm gì, nhưng tôi đều tỉnh táo nhận ra rằng tôi, con người vô danh như thế này, không hề có cơ sở tối thiểu cho hoạt động hữu ích nào.

Hitler trở lại München vào mùa xuân 1920, Hitler tham gia vào việc cung cấp thông tin cho cuộc điều tra những người đã can dự vào chế độ Xô-viết ngắn ngủi ở München.

Rất có thể Hitler đã đóng góp vai trò hữu ích, vì thế ông được điều vào Ban Báo chí và Thông tin của Phòng Chiến tranh Chính trị đóng tại quân khu địa phương. Trái với truyền thống của họ, Quân đội Đức bây giờ nhúng sâu vào chính trị, đặc biệt là ở Bayern. Để quảng bá đường lối bảo thủ, họ tổ chức cho binh sĩ theo học các lớp chính trị, và Hitler là học viên chăm chỉ tham dự một trong các lớp học này. Theo lời ông kể lại, một ngày, ông chen vào tranh luận khi có người nói tốt cho dân Do Thái. Lời diễn thuyết bài Do Thái hẳn làm cho cấp trên vui lòng, kết quả là Hitler được điều đến một trung đoàn với tư cách giống như là chính trị viên, lĩnh nhiệm vụ đánh đổ những ý tưởng nguy hiểm – chủ nghĩa cầu hòa, chủ nghĩa xã hội, ý niệm dân chủ; đấy là quan điểm về vai trò của quân đội trong một nền cộng hòa dân chủ mà họ đã tuyên thệ phục vụ.

Đây là một bước ngoặt quan trọng cho Hitler – sự công nhận đầu tiên trong lĩnh vực chính trị mà ông cố chen vào. Vai trò mới đã cho ông cơ hội để thử thách tài hùng biện của mình – yếu tố tiên quyết mà ông luôn nghĩ phải có đối với một chính trị gia thành đạt. Ông kể lại:

Thình lình tôi có cơ hội để phát biểu trước đám đông; và điều mà tôi luôn nghĩ trong đầu nhưng không chắc sẽ làm tốt đã được minh chứng: tôi có thể "ăn nói."

Ông vui mừng tột độ vì điều khám phá này tuy không lấy làm ngạc nhiên lắm. Đây là bước khởi đầu cho một tài năng khiến cuối cùng ông trở thành nhà hùng biện tài giỏi nhất nước Đức, khi cất tiếng trên sóng phát thanh với mãnh lực lay chuyển hàng triệu con tim.

Một ngày tháng 9 năm 1919, Phòng Chiến tranh Chính trị ra lệnh cho Hitler dò xét một nhóm chính trị nhỏ tự gọi là Đảng Lao động Đức. Quân đội luôn tỏ ra nghi ngờ các đảng phái của công nhân vì họ thường theo cánh Xã hội hoặc Cộng sản, nhưng tin rằng nhóm này có thể khác. Hitler không hề biết gì về đảng này, nhưng quen biết với một người sẽ phát biểu trong buổi họp của đảng mà ông được lệnh tìm hiểu.

Vài tuần trước, trong một buổi học tập chính trị do Quân đội tổ chức, Hitler được nghe bài phát biểu của Gottfried Feder, kỹ sư xây dựng và cũng là chuyên gia kinh tế lập dị. Ông này bị ám ảnh với ý nghĩ rằng tư bản "đầu cơ" thay vì tư bản "sáng tạo" hoặc tư bản "sản xuất" là cội rễ của mọi vấn nạn kinh tế của Đức. Là người không biết gì về kinh tế, Hitler có ấn tượng mạnh với bài phát biểu của Feder.

Mẫu thẻ đảng tiêu chuẩn của năm 1939

Nhưng khởi đầu Hitler không nhận ra tầm quan trọng gì ở Đảng Lao động Đức. Ông đi đến buổi họp của đảng này chỉ vì được phái đến, và sau khi đã ngồi nghe suốt một buổi chán ngắt với khoảng 25 người tham dự, ông không có ấn tượng tốt. Ông kể:

Đấy là một tổ chức mới giống như bao tổ chức khác. Đây là thời kỳ mà bất kỳ ai bất mãn với thời cuộc... đều cảm thấy cần thành lập một đảng mới. Đâu đâu cũng thấy đảng mới mọc lên rồi lặng lẽ biến mất. Tôi nghĩ Đảng Lao động Đức cũng không khác gì.

Sau khi Feder đã phát biểu xong, Hitler chuẩn bị ra về, thì có một "giáo sư" đứng lên, cật vấn ý kiến của Feder rồi đề nghị Bayern nên tách ra khỏi nước Đức và lập một nước Nam Đức mới cùng với Áo. Đấy là ý tưởng phổ biến ở München thời bấy giờ, nhưng Hitler tỏ ra giận dữ và đứng lên để cho nhà trí thức kia đôi điều suy nghĩ. Dường như Hitler nói một cách mạnh mẽ đến nỗi vị "giáo sư" rời bỏ phòng họp "như chó cụp đuôi", trong khi cả hội trường nhìn anh trai trẻ với "vẻ mặt kinh ngạc". Một người – mà Hitler kể lúc ấy không nghe rõ tên – dúi một quyển sách nhỏ vào tay Hitler.

Người này có tên là Anton Drexler, làm thợ rèn, có thể nói là người thật sự sáng lập Đảng Quốc Xã. Không viết giỏi và không có tài ăn nói, năm 1918 ông đã thành lập "Ủy ban Công nhân Độc lập" để chống lại chủ nghĩa Mác-xít trong các nghiệp đoàn và để dấy động nền hòa bình "công tâm" cho Đức. Thật ra, tổ chức này là chi nhánh của một hiệp hội có tên rất dài (nước Đức lúc ấy và cho đến năm 1933 có đầy rẫy những đoàn thể mang tên dài dòng như thế).

Drexler không bao giờ kết nạp được hơn 40 thành viên, và vào năm 1919 ông sáp nhập tổ chức của mình với một nhóm tương tự của một nhà báo tên Karl Harrer. Tổ chức mới mang tên Đảng Lao động Đức, chỉ có không đến 100 đảng viên, do Harrer làm chủ tịch đảng. Hitler đánh giá Harrer là con người "trung thực" và "chắc chắn có nền giáo dục rộng" nhưng lấy làm tiếc là thiếu "thiên bẩm về hùng biện".

Sáng hôm sau, nằm trong doanh trại quân đội, Hitler mở quyển sách mà Drexler trao cho. Ông mô tả chi tiết việc này trong quyển Mein Kampf. Ông ngạc nhiên nhận thấy quyển sách thể hiện nhiều ý tưởng hay mà chính ông đã tiếp thu trong nhiều năm. Mục đích chính của Drexler là gây dựng một đảng phái chính trị dựa trên giai cấp công nhân, nhưng không giống như Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đảng này phải thiên mạnh về chủ nghĩa quốc gia. Drexler bất mãn với tinh thần của giai cấp trung lưu vốn dường như xa rời quần chúng. Như ta đã biết, ở Wien, Hitler đã có cảm nghĩ khinh bỉ giới tư sản với cùng lý do – không quan tâm đến giới công nhân và những vấn nạn xã hội. Vì thế, ý tưởng của Drexler rất hợp với Hitler.

Thẻ đảng viên của Hitler khi tham gia vào Đảng Lao động Đức (DAP), cũng là tiền thân của Đảng Quốc Xã (NSDAP) sau này.

Chiều ngày ấy, Hitler cảm thấy kinh ngạc khi nhận được một bưu thiếp cho biết ông đã được chấp nhận gia nhập Đảng Lao động Đức. Ông kể lại:

Tôi không biết phải giận dữ hoặc bật cười. Tôi không định gia nhập một đảng đã có sẵn, mà muốn thành lập một đảng mới cho riêng mình. Họ đã quá đường đột...

Ông định viết thư trả lời như thế, nhưng rồi "tính hiếu kỳ trỗi dậy" và quyết định tham dự buổi họp trung ương đảng mà ông được mời hầu giải thích lý do tại sao không gia nhập "cái tổ chức nhỏ bé một cách phi lý này".

Đấy là một nơi chốn tồi tàn... Tôi đi qua một phòng ăn tối tăm không có một bóng người, mở cánh cửa thông ra phòng phía sau, và rồi đối diện với Trung ương đảng. Trong ánh đèn khí đốt tù mù, bốn người trẻ tuổi ngồi, trong số đó là tác giả của quyển sách nhỏ, người này lập tức vui vẻ chào hỏi rồi mở lời tiếp đón tôi với tư cách một đảng viên mới của Đảng Lao động Đức. Tôi sửng sốt thực sự. Người ta đọc lên biên bản buổi họp trước, rồi thư ký ghi nhận biểu quyết chấp thuận. Kế đến là báo cáo tài chính – toàn đảng chỉ sở hữu số tiền 7 Mác Đức và 50 pfennig – theo đấy người tài vụ nhận biểu quyết chấp thuận. Rồi người ta cũng ghi việc này vào biên bản buổi họp. Rồi Chủ tịch Đảng đọc thư phúc đáp cho vài người, và mọi người đều tỏ ý thông qua. Kế đến là báo cáo về những thư mới nhận được...

Kém cỏi, thật là kém cỏi! Đây là một câu lạc bộ theo cách thức tệ hại nhất. Liệu tôi sẽ gia nhập tổ chức này hay không?

Tuy thế, có điều gì đấy ở những người ăn mặc lôi thôi trong gian phòng tù mù khiến cho Hitler cảm thấy bị cuốn hút: "tấm lòng tha thiết cho một phong trào mới vượt quá tầm mức một đảng phái theo ý nghĩa từ trước đến giờ trên thế giới." Tối hôm ấy, Hitler trở về doanh trại quân đội để "đối diện với câu hỏi khó khăn nhất trong đời tôi: có nên gia nhập hay không?" Lý lẽ cho biết ông nên từ chối. Và tuy thế... Chính vì đảng này không có vị thế quan trọng sẽ tạo cho người trai trẻ có năng lực và ý tưởng một cơ hội "hoạt động đúng theo sở nguyện cá nhân thật sự." Hitler ngẫm nghĩ về những gì ông có thể "mang đến cho nhiệm vụ này."

Tôi có thể chịu đựng được cảnh nghèo túng và không có phương tiện sinh nhai, nhưng điều khó khăn hơn là tôi đang ở trong số những người vô danh, tôi chỉ là một trong hàng triệu người phải nỗ lực tồn tại mà không có ai thân cận chiếu cố đến. Hơn nữa, còn có sự hạn chế vì tôi thiếu nền học vấn.

Sau hai ngày suy nghĩ cật lực, cuối cùng tôi xác định là cần tiến theo hướng này. Đây là kết luận có tính cách quyết định nhất trong đời tôi. Từ bây giờ, không có chuyện quay đầu lại.Thế là, Adolf Hitler trở thành Ủy viên Trung ương thứ bảy của Đảng Lao động Đức.

Cần đề cập đến hai đảng viên của đảng chính trị tí hon này; cả hai đều đóng vai trò quan trọng cho tiến trình của Hitler.

Đại úy Ernst Röhm, phục vụ trong một đơn vị quân đội ở München, đã gia nhập đảng trước Hitler, có đầu óc nhậy cảm về chính trị và có tài tổ chức. Giống như Hitler, ông mang tư tưởng ghét bỏ sục sôi đối với nền Cộng hòa dân chủ và "tội đồ Tháng Mười một" mà ông cho là có trách nhiệm tạo ra nền Cộng hòa. Ông có chí hướng tái lập một nước Đức có tính quốc gia mạnh mẽ, và cùng với Hitler, ông tin rằng chỉ có thể làm được điều này qua một đảng dựa trên giai cấp thấp mà từ đấy ông đã ngoi lên, không giống như phần lớn sĩ quan chính quy. Có hành động cứng rắn, tàn bạo, sục sôi – dù là người đồng tính luyến ái giống như nhiều đảng viên Quốc Xã vào thời kỳ đầu – ông giúp tổ chức nên những đội quân sau này trở thành lực lượng áo nâu SA mà ông là tham mưu trưởng cho đến khi bị Hitler sát hại năm 1934. Röhm đã dẫn theo một số lớn cựu chiến binh và quân tình nguyện để tạo nên xương sống cho đảng trong thời kỳ đầu. Trên cương vị một sĩ quan trong quân đội đang kiểm soát Bayern, Röhm cũng vận động Quân đội giúp bao che cho đảng và đôi lúc lôi kéo sự hậu thuẫn của chính quyền. Không có những sự hỗ trợ này, hẳn Hitler không thể nào có bước khởi đầu thuận lợi để xách động quần chúng lật đổ nền Cộng hòa. Điều chắc chắn là Hitler có thể tự do thực hiện những biện pháp khủng bố và đe dọa vì nhờ chính quyền và cảnh sát Bayern làm ngơ.

Dietrich Eckart, nhà báo dí dỏm nhưng là nhà thơ và kịch tác gia kém cỏi, lớn hơn Hitler 21 tuổi, thường được xem là nhà sáng lập tinh thần của Quốc Xã. Cũng như Hitler ở Wien, có một thời ông sống lông bông ở Berlin, lại thêm nghiện rượu, sử dụng nha phiến, rồi được đưa vào bệnh viện tâm thần. Ông thường thuyết giảng về tính ưu việt của chủng người Aryan, kêu gọi diệt trừ người Do Thái và lật đổ chính quyền Berlin.

Nhà thơ nghiện rượu Eckart (qua đời năm 1923 vì uống rượu quá nhiều) đã tuyên bố:

Chúng ta cần có một người cầm đầu có thể chịu được tiếng súng liên thanh... Ta không thể sử dụng sĩ quan quân đội, vì dân chúng không còn kính trọng họ nữa. Người thích hợp nhất là một công nhân có tài ăn nói... Anh ấy không cần có đầu óc... Anh ấy phải còn độc thân, rồi chúng ta sẽ đi kiếm phụ nữ.

Eckart trở thành cố vấn thân cận cho anh trai trẻ đang lên trong Đảng Lao động Đức, cho anh mượn sách báo, giúp anh cải thiện khả năng Đức ngữ – cả viết và nói – và giới thiệu anh với đám bạn bè đông đảo. Những người này không chỉ gồm có nhà giàu cung ứng ngân quỹ cho đảng và chi phí sinh hoạt cho Hitler, mà còn có những phụ tá trong tương lai như Rudolf Heß và Alfred Rosenberg.

Có sự pha trộn của những nhân vật quái dị sáng lập nên Đảng Quốc Xã, những người vô hình trung đã bắt đầu đặt nền tảng cho một phong trào mà 13 năm kế tiếp sẽ lan rộng cả nước, phong trào mạnh mẽ nhất châu Âu, và đưa Đức lên vị thế Đế chế Thứ Ba. Anh thợ rèn Drexler với ý tưởng lộn xộn tạo nên hạt nhân, anh thi sĩ nghiện rượu tạo nên nền tảng "tâm linh," nhà kinh tế quái đản Feder thiết lập ý thức hệ, con người đồng tính luyến ái Röhm mang đến sự hậu thuẫn của Quân đội và cựu chiến binh. Nhưng bây giờ chính là cái anh Adolf Hitler lông bông, chưa tròn 31 tuổi và hoàn toàn vô danh, nắm lấy vai trò đi đầu trong việc gây dựng một tổ chức đang làm việc trong trụ sở nghèo nàn rồi sẽ tiến lên thành một đảng chính trị đáng sợ.

Tất cả ý tưởng nhen nhúm từ những tháng ngày cô đơn đói kém ở Wien giờ đã có chỗ phát huy, và nguồn năng lượng nội tại trước đây âm ỉ giờ đã bùng cháy. Hitler thúc đẩy trung ương đảng còn đang rụt rè tiến lên tổ chức những đại hội lớn hơn. Ông tự đánh máy thư mời dự đại hội. Ông kể lại, có một lần sau khi đã gửi đi 80 thư mời,

chúng tôi ngồi đợi đám đông mà chúng tôi nghĩ sẽ xuất hiện. Đã muộn một tiếng đồng hồ, và ‘chủ tịch’ phải tuyên bố khai mạc đại hội. Một lần nữa chỉ có bảy người – 7 người cũ.

Nhưng Hitler không sờn lòng. Ông tăng số người tham dự bằng cách cho in thư mời bằng ronéo. Ông thu vài đồng Mác Đức để cậy đăng thông cáo đại hội trên một tờ báo. Ông kể: "Kết quả thật là diệu kỳ. Có 111 người đến dự." Hitler dự kiến sẽ có "bài phát biểu" đầu tiên, sau bài diễn văn chính của một "giáo sư München." Nhưng Herrer, chủ tịch đảng trên danh nghĩa, chống đối dự định này. Hitler kể:

Ông ấy chắc chắn là con người chân thật, chỉ có điều cho rằng tôi có khả năng làm việc gì đấy nhưng không thể ăn nói. Tôi phát biểu trong 30 phút, và điều mà trước giờ tôi chỉ nghĩ trong đầu, mà không có cách nào minh chứng, giờ trở thành hiện thực: tôi có khả năng phát biểu!

Hitler cho rằng đám đông "giật nẩy người" vì tài hùng biện của ông, và thể hiện sự phấn khích bằng cách đóng góp 300 đồng Mác giúp đảng vượt qua cơn khốn khó về tài chính trong một thời gian.

Đầu năm 1920, Hitler nắm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng, một công tác mà ông đã suy nghĩ nhiều kể từ lúc quan sát tầm quan trọng của tuyên truyền nơi các đảng phái ở Wien. Ông bắt đầu ngay bằng cách tổ chức một đại hội lớn lao nhất mà đảng tí hon này chưa từng mơ đến. Đại hội được dự trù vào ngày 24/2/1920 trong một nhà hàng bia nổi tiếng ở München có sức chứa 2.000 người. Các ủy viên trung ương nghĩ Hitler đã hóa điên. Harrer từ chức để phản đối và được thay thế bởi Drexler, người cũng tỏ ra hoài nghi. Harrer cũng chống đối tư tưởng bài Do Thái quá khích của Hitler và tin rằng Hitler xa cách với giai cấp lao động. Đấy là những lý do chính khiến cho Harrer từ chức.

Hitler nhấn mạnh rằng ông phải là người đích thân lo liệu các công tác chuẩn bị. Đúng là đại hội có tầm quan trọng đến mức Hitler kết thúc chương đầu của quyển Mein Kampf bằng đoạn mô tả đại hội này, bởi vì đấy là cơ hội mà

đảng thoát ra ngoài lớp vỏ bọc của một tổ chức nhỏ và lần đầu tiên tạo ảnh hưởng quyết định lên yếu tố hùng mạnh nhất của thời đại chúng ta: chính kiến của quần chúng.

Ngay cả Hitler vẫn không được xếp lịch là người phát biểu chính. Vai trò này được dành cho TS. Johannes Dingfelder nào đấy, một bác sĩ vật lý theo phương pháp vi lượng đồng cân, con người lập dị đã đóng góp nhiều bài viết về kinh tế trên các báo, và là người chẳng bao lâu đi vào lãng quên. Mọi người đều im lặng sau bài diễn văn của ông; rồi đến phiên Hitler phát biểu. Theo như Hitler mô tả, hội trường trở nên ồn ào với những tiếng la ó, và hỗn loạn vì đảng viên trung thành xô xát với người theo Cộng sản và Xã hội.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đảng_Công_nhân_Đức_Quốc_gia_Xã_hội_chủ_nghĩa //nla.gov.au/anbd.aut-an35377686 http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://www.gonschior.de/weimar/Deutschland/RT6.htm... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11884588x http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11884588x http://www.idref.fr/026636271 http://id.loc.gov/authorities/names/n79053942 http://d-nb.info/gnd/1012979-0 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00323199 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000121936797